Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2017

NGƯỜI LỚN CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ GIÚP TRẺ HIỂU VỀ CÁI CHẾT?


Đối thoại về cái chết

Đây là bài thứ 2 trong series “Đương đầu với sự hữu hạn của cuộc sống”, tập trung vào nỗi sợ chết ở từng độ tuổi và cách để đương đầu với cái chết không thể tránh khỏi ở mỗi người.
Đọc bài trước, NỖI SỢ VỀ CÁI CHẾT ĐẰNG SAU CÁC ÁM ẢNH

Tác giả: Linda Goldman
Giáo sư nghiên cứu về cái chết tại Đại học Cao đẳng King

Xã hội chúng ta có nỗi ám sợ về cái chết, đặc điểm này cực kỳ dễ gây tổn thương khi chúng ta phải giúp trẻ đối mặt với cái chết của người gần gũi trẻ. Người trưởng thành thường cảm thấy không thoải mái khi đề cập về cái chết với trẻ em. Họ có thể ý thức hoặc vô thức ức chế những giọt nước mắt hoặc các cảm xúc khác, giả định rằng mình đang bảo vệ trẻ, những người còn quá nhỏ để có thể hiểu được khái niệm nặng nề này.
Tuy nhiên những cuộc trò chuyện phù hợp lứa tuổi của trẻ về cái chết sẽ cho phép các em bộc lộ những suy nghĩ và cảm nhận vốn không thể tránh khỏi khi một người quen qua đời. Chúng ta có thể giúp trẻ bình thường hóa những điều này tốt nhất thông qua việc hiểu biết về nhận thức của trẻ đối với cái chết ở từng giai đoạn phát triển khác nhau.
Hiểu về cái chết
Khi trẻ em phát triển, sự hiểu biết về cái chết của các em thay đổi và mở rộng dần. Năm 1948, nhà tâm lý học Maria Nagy đã giới thiệu một nghiên cứu tiên phong trong việc tìm ra mối liên hệ giữa độ tuổi và cách hiểu của trẻ về cái chết. Nghiên cứu này trình bày ba giai đoạn riêng biệt.
Trẻ trong độ tuổi từ ba đến năm, theo bà, có xu hướng phủ nhận việc cái chết là quá trình cuối cùng và coi nó như một hành trình mà một người có thể quay trở lại từ đó.
Ở giai đoạn hai, trong độ tuổi từ năm đến chín, trẻ đã hiểu chết là cái kết cuối cùng nhưng vẫn giữ khoảng cách với điều mình hiểu. Trẻ cũng nghĩ rằng nếu chúng lanh lợi khéo léo, chúng có thể lừa cái chết và tránh được nó.
Giai đoạn ba cũng là giai đoạn cuối là khi trẻ vào chín đến mười tuổi. Tại thời điểm này, trẻ đã hiểu rằng cái chết là điều không thể tránh khỏi và nó đến với mọi người, kể cả bản thân chúng.
Nghiên cứu của Nagy rất gần với công trình của nhà tâm lý học lâm sàng Jean Piaget vốn được rất nhiều nhà tâm lý trẻ em và nhà giáo dục sử dụng.
Piaget giải thích sự nhận thức của trẻ qua những giai đoạn phát triển sau:
1/ Giai đoạn giác động (0-2 tuổi): cái chết không tồn tại, không được biết đến, nó chỉ là sự vắng mặt.
2/ Giai đoạn tiền thao tác (2-7 tuổi): Suy nghĩ có tính huyền diệu (magical thinking) và cái tôi trung tâm (hoặc “quy ngã” - từ dùng của Hoàng Hưng trong Sự ra đời trí khôn của trẻ em – Jean Piaget) là những thuộc tính có thể dự đoán trước của sự đau buồn chiếm ưu thế trong giai đoạn này. Tức, trẻ em cảm thấy có trách nhiệm với những gì xảy đến với chúng và với thế giới quanh chúng. Một đứa trẻ năm tuổi Olivia hét lên với người chị Sophie rằng “Em ghét chị! Em ước gì chị chết đi!” và ngày hôm sau Sophie qua đời trong một tai nạn xe hơi, suy nghĩ huyền diệu có thể khiến Olivia nghĩ rằng cô bé là nguyên nhân dẫn đến cái chết của chị mình. Cô bé sau đó có thể cần một lối thoát cho mặc cảm tội lỗi quá lớn của mình.
3/ Giai đoạn thao tác cụ thể (7-12 tuổi): Đây là giai đoạn trung gian, khi mà suy nghĩ của trẻ dần trưởng thành và trở nên logic hơn. Giai đoạn này được đặc trưng bởi sự tò mò, đặc tính này có thể lý giải vì sao trẻ ở độ tuổi này yêu thích đọc sách và xem phim về thây ma và xương xẩu.
4/ Giai đoạn thao tác hình thức (13 tuổi trở lên): Một trẻ vị thành niên nhìn nhận cái chết như là điều gì đó xa xôi, ở tận cuối cuộc đời. Nhưng khi một người quen biết qua đời, các em sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người đồng trang lứa.
Giúp trẻ em xử lý cái chết
Nghiên cứu về việc những trẻ em mất người thân duy trì mối liên hệ với cha mẹ chúng như thế nào sau một năm kể từ khi cha mẹ mất cho thấy, trong số 125 trẻ tham gia nghiên cứu, 92 (74%) trẻ tin rằng cha mẹ đến một nơi gọi là thiên đường.
Những phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giúp trẻ đặt mối quan hệ của các em với người đã khuất trên một góc nhìn mới, hơn là khuyến khích chúng tách mình ra khỏi sự kiện đó. Hỗ trợ trẻ trong việc tái thiết lập với ngừoi cha/mẹ đã qua đời bao gồm các chiến lược nối kết như: xác định vị trí của người quá cố, trải nghiệm với người quá cố, giúp đỡ người quá cố và sử dụng những vật liên kết.
Một ví dụ cho việc duy trì nối kết này là câu chuyện mà cô bé Michelle 11 tuổi đã viết ra cùng với bức tranh Michelle vẽ về thiên đường sau khi mẹ cô bé mất trong một tai nạn xe hơi. Chúng khiến cô bé cảm thấy được an ủi và an toàn vì mình có thể lưu giữ được hình ảnh tích cực về nơi mẹ đang ở. Hình dung của Michelle được minh hoa như sau:
“Ở đó có rất nhiều lâu đài nơi chỉ những người vĩ đại mới được sống, như mẹ mình… Mẹ mình yêu nhảy múa. Mình nghĩ bà đang nhảy trên thiên đường.”
Người trưởng thành có thể hỗ trợ trẻ em mất người thân theo một mô hình chung. Đầu tiên, họ nên nói với trẻ sự thật về cái chết, có cân nhắc tới giai đoạn phát triển và khả năng hiểu của trẻ. Có thể sử dụng những câu như: “Thông thường người ta chết khi họ đã rất rất già hoặc bệnh rất nặng, hoặc khi cơ thể bị thương quá nặng mà các bác sĩ và bệnh viện không thể giúp được nữa, và cơ thể người đó sẽ ngừng hoạt động.”
Khi đề cập với những trẻ còn quá nhỏ, việc dùng ngôn ngữ và hình ảnh cụ thể sẽ rất hữu dụng. Bên cạnh đó, nên tránh việc sử dụng lối nói trại đi quá quen thuộc vì nó có thể ngăn cản quá trình đau buồn. Nếu chúng ta bảo với bé Johnny rằng ông nội phải đi rất xa, cậu bé có thể tưởng tượng rằng ông nội sẽ trở lại hoặc hỏi tại sao ông không chào tạm biệt.
Thứ hai, chúng ta cần phải để trẻ nhận ra mọi người đang than khóc, đưa trẻ đến đám tang và lễ tưởng niệm. Nghiên cứu chỉ ra việc tham gia lễ tang giúp trẻ chấp nhận cái chết và tưởng nhớ cha hoặc mẹ đã mất của mình.
Việc để ý đến những dấu hiệu thường thấy ở những trẻ có đau buồn cũng sẽ rất hữu ích, cụ thể như: trẻ mong muốn trông có vẻ bình thường, kể và hay kể lại câu chuyện của mình, nói về người thân yêu đã khuất ở thì hiện tại và thường lo lắng cho sức khỏe của bản thân hoặc của người khác.
Người trưởng thành có thể khuyến khích trẻ em sử dụng các nghi thức để đương đầu với đau buồn. Các em có thể cầu nguyện, thả bong bóng, hát một bài hát, trồng một bông hoa, hoặc viết một bài thơ. Trẻ em đang đau buồn có thể bộc lộ bản thân mình thông qua những quyển sách kí ức, những hộp đựng kí ức, hình ảnh và cả những email kí ức.
Cả trẻ nữ và nam đều có thể có khả năng ngôn ngữ giới hạn cho việc chia sẻ cảm xúc. Đồng thời, các em cũng chỉ có một năng lực cảm xúc giới hạn để chịu đựng nỗi đau mất mát, song các em có thể giao tiếp những cảm xúc, mong ước và nỗi sợ của mình thông qua trò chơi. Trị liệu trò chơi (play therapy) có thể bao gồm việc sử dụng trí tưởng tượng và tương tác với những đồ chơi hóa thân diễn kịch. Một chiếc điện thoại đồ chơi có thể khuyến khích một cuộc đối thoại của trẻ với người thương yêu đã khuất.
Nỗi sầu khổ và mất mát thời thơ ấu bao trùm lên hàng loạt vấn đề đời sống nhưng chúng ta có thể mang lại sức mạnh cho trẻ bằng việc sử dụng những ngôn ngữ phù hợp với lứa tuổi và cung cấp những can thiệp giúp khơi mở hành trình khám phá và trao đổi về xúc cảm trước những đau buồn.

Dịch: A.T – Hành Lang Tâm Lý


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter